TAIZÉ

Thầy Marc (1931-2024)

 
Heinz-Peter Rudolf, khi gia nhập Cộng đoàn Taizé vào năm 1954, đã lấy tên là Thầy Marc, qua đời vào ngày 19 tháng 1 năm 2024, thọ 93 tuổi. Thầy đã phải nhập viện vài ngày ở Mâcon. Lễ tang của thầy sẽ diễn ra vào Chúa nhật ngày 21.1.2024 lúc 3 giờ chiều tại Nhà thờ Hòa giải ở Taizé.


Thầy sinh ra ở Thụy Sĩ, vào năm 1931, tại Esslingen (vùng Zurich). Thầy học nghệ thuật đồ họa tại Trường Nghệ thuật Ứng dụng Zurich. Thầy là người nói tiếng Đức đầu tiên trong cộng đoàn và thậm chí trước lúc khấn trọn vào năm 1957, thầy và những anh em khác đã được gửi đến sống một thời gian ở Đức.

Tại Taizé, thầy đã phát triển năng khiếu nghệ thuật của mình thông qua các tác phẩm chạm khắc gỗ, tranh vẽ, ảnh ghép, cửa sổ kính màu, bìa sách, dấu trang, áp phích... Trong quá trình xây dựng Nhà thờ Hòa Giải, năm 1962, thầy đã thiết kế cửa sổ kính màu lớn bằng những tấm đá kính của mặt tiền phía Tây, tuy nó đã phải tháo dỡ khi cần phá bỏ mặt tiền này để mở rộng tòa nhà. Khi nhiều người trẻ bắt đầu hành hương lên ngọn đồi, chính thầy, vào đầu những năm 1970, đã nghĩ ra thánh giá hình chim bồ câu rất gắn liền với Taizé.

Năm 1971, thầy cùng với một người anh em khác có chuyến thăm đáng nhớ tới Liên Xô, lúc đó dưới sự cai trị của cộng sản, đây là chuyến thăm đầu tiên của các anh em tới Ukraine và Nga.

Việc mở rộng ơn gọi của Taizé đến các lục địa khác nhau đã cho phép thầy thực hiện giấc mơ thời thơ ấu, đó là đến thăm Indonesia, nơi hướng cuộc đời thầy về lục địa Châu Á. Vào năm 1973-1974, thầy sống nửa năm với hai anh em ở Calcutta cùng với Mẹ Têrêsa. Sau đó thầy trở lại Indonesia và miền nam Ấn Độ trước khi trở lại Taizé.

Năm 1978, thầy đến Nhật Bản bằng chuyến tàu xuyên Siberia và cùng với một người anh em khác định cư ở quận Miyadera, gần Tokyo, nơi thầy ở đó được 8 năm. Sau đó, vào năm 1986, thầy chuyển đến Hàn Quốc: tại đất nước được đánh dấu bởi sự phân chia giữa Bắc và Nam, cộng đoàn đã được Đức Hồng y Tổng Giám mục Seoul mời thành lập một cộng đoàn huynh đệ nhỏ. Thầy Marc ở đó suốt 25 năm. Ở Nhật Bản cũng như ở Hàn Quốc, thầy tiếp tục công việc sáng tạo của mình bằng cách đối thoại với các nghệ sĩ trong nước. Thầy đã tạo ra nhiều cửa sổ kính màu trong các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành ở Hàn Quốc. Vào năm 2007, thầy cũng được mời làm cửa sổ kính màu cho nhà thờ Ulan Bator ở Mông Cổ.

Sau đó, thầy trở lại Châu Âu, đến Taizé và sau đó là tới một cộng đoàn huynh đệ được thành lập liên tiếp ở nhiều nơi khác nhau ở Alsace. Sau Cuộc Gặp mặt Giới trẻ Châu Âu tại Basel năm 2017, thầy đã được cộng đồng nữ phó tế Riehen chào đón cách thành phố này không xa. Đặc biệt, thầy đã tổ chức một cuộc triển lãm đáng chú ý về các tác phẩm gần đây của mình ở đó. Từ đó thầy thường xuyên lưu lại Taizé vào những thời điểm quan trọng trong đời sống cộng đoàn.

Khi thầy thăng tiến nhiều năm và cho đến một tuần trước khi qua đời, thầy vẫn còn nghị lực để tiếp tục thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Ngay cả sau cơn đột quỵ xảy ra ở Taizé vào đêm Giáng sinh, thầy vẫn tiếp tục công việc tạo ra những tấm thiệp từ lời của các bài hát Taizé hoặc văn bản Kinh thánh.

Cập nhật ngày: 21, Tháng Giêng 2024