Thư Taizé 2009

Thư viết từ Kenya

Từ ngày 26 đến 30 tháng 11 năm 2008, 7000 bạn trẻ khắp nước Kenya, từ các nước thuộc Châu Phi và từ các lục địa khác, đã tập trung về Nairobi. Đây là cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ hai tại Phi Châu do cộng đoàn Taizé hướng dẫn, lần trước diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi năm 1995. Đây là một chặng trong « cuộc lữ hành tin tưởng trên mặt đất », đã được 80 giáo xứ thuộc nhiều giáo hội khác nhau tại Nairobi đón tiếp. Cuộc gặp gỡ này nhằm mục đích đóng góp vào việc xây dựng những mối tương quan huynh đệ hơn và giúp thoát ra khỏi những biểu hiện sai lạc của những tương quan khác do việc thiếu liên hệ với nhau giữa các dân tộc và do các vết thương lịch sử để lại.
 
Cộng đoàn Taizé đã hiện diện từ 55 năm nay tại lục địa Châu Phi qua các nhóm nhỏ, tại đó các tu sĩ chia sẻ đời sống với những người nghèo nhất. Trải qua năm tháng, các tu sĩ đã sống tại Algérie, Bờ Biền Ngà, Niger, Ruanda và Kenya. Từ 16 năm qua các tu sĩ hiện diện tại Sénégal, trong một khu phố bình dân của thành phố Dakar đa số là người Hồi giáo.
 
Desmond Tutu, nguyên tổng giám mục Anh giáo của Cap (Nam Phi), đã viết như sau : « Phi Châu là một lục địa nơi đây cuộc khổ nạn và sự phục sinh vẫn còn mang ý nghĩa sâu xa nhất. Ở đây, việc xây dựng niềm tin tưởng và hòa giải là một điều đang được thực hiện hằng ngày... tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa, và trong Đức Kitô, không có người Ruanda, hay người Congo, không có người Burunda hay người Kenya, không có người Nigieria hay người Nam Phi : tất cả chúng ta là một trong đức Giêsu-Kitô. Tôi biết rằng cộng đoàn Taizé cũng mang một sứ điệp đó và cộng đoàn này liên đới với chúng tôi khi chúng tôi tìm kiếm cách thức áp dụng sứ điệp đó vào Nam Phi, qua tất cả lục địa Phi Châu và trong phần còn lại của thế giới, nơi mà sự sợ hãi người xa lạ cần được biến đổi thành tình bạn, hòa giải và tin tưởng »
 
Tại Phi Châu, các thử thách không làm mất đi ý nghĩa về phẩm giá, đặc biệt nơi những người nghèo nhất. Các khó khăn trong cuộc sống không làm mất đi niềm vui, sự trịnh trọng không làm mất đi những điệu múa. Rất nhiều người đã không để mình thất vọng. Trước tiển là phụ nữ, họ đảm nhận bao nhiêu công việc trong gia đình và trong xã hội một cách sáng tạo và kiên trì.
 
Đứng trước những xâu xé tại lục địa này, nhiều người đang can đảm theo đuổi sự hòa giải và xoa dịu. Đối với các Kitô hữu, phải giữ niềm hy vọng này : mối giây liên kết của bí tích Rửa tội trong đức Kitô còn mạnh mẽ hơn những sự phân cách. Đã có những Kitô hữu Phi Châu trả giá bằng chính cuộc sống cho niềm tin này.
 
Sau đây là « Lá thư từ Kenya » do anh Alois viết cho năm 2009, được phổ biến vào dịp gặp gỡ 40.000 bạn trẻ Âu Châu tại Bruxelles cuối tháng 12 năm 2008.

Khắp nơi trên thế giới, xã hội và lối sống đang thay đổi một cách chóng mặt. Có những khả năng kỳ diệu để thăng tiến, nhưng cũng xuất hiện những bất ổn, và nổi bật là những lo âu trước tương lai đang tới. [1]

Để những tiến bộ kỹ thuật và kinh tế cùng tiến bước một cách nhân bản hơn, điều không thể thiếu là phải tìm một ý nghĩa sâu sắc hơn cho cuộc sống này. Đối diện với sự mệt mỏi và rối loạn nơi nhiều người, một câu hỏi được đặt ra: chúng ta đang sống bằng nguồn lực nào?

Nhiều thế kỷ trước Công nguyên, ngôn sứ Isaia đã cho thấy một nguồn lực khi ông viết: “những người cậy trông nơi Đức Chúa, thì được thêm sức mạnh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” [2]

Ngày nay càng có nhiều người không tìm được nguồn lực này. Ngay cả Danh Thiên Chúa cũng bị hiểu lầm hay bỏ quên. Có hay chăng mối liên hệ giữa việc từ bỏ đức tin và việc đánh mất niềm vui sống ? Làm thế nào để đem lại nguồn lực này cho chúng ta ? Chẳng phải là phải chú ý tới sự hiện diện của Thiên Chúa hay sao ? Nơi Ngài, chúng ta có thể kín múc niềm hy vọng và hân hoan.

Khi đó, nguồn suối lại tuôn trào và cuộc đời chúng ta lại có ý nghĩa. Chúng ta trở nên những người có khả năng đảm nhận cuộc đời của mình: đón nhận cuộc sống như một món quà và đến lượt mình trao tặng món quà đó cho những người được trao phó cho chúng ta.

Chỉ cần một chút niềm tin nhỏ bé, cũng sẽ có sự thay đổi : chúng ta không còn sống cho chính mình. Khi mở những cánh cửa tâm hồn cho Thiên Chúa, chúng ta cũng sửa soạn con đường cho Ngài đến với nhiều người khác.

Đảm nhận cuộc sống của chúng ta

Vâng, Thiên Chúa đang hiện diện trong mỗi người, cho dù họ có niềm tin hay không. Ngay từ trang đầu tiên, Kinh Thánh đã diễn tả bằng một vẻ đẹp thi ca món quà mà Thiên Chúa đã tặng cho mọi con người là hơi thở sự sống của Ngài. [3]

Qua cuộc sống nơi trần thế, Đức Giêsu đã mặc khải tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mỗi con người. Khi tận hiến chính mình, Ngài đã cho thấy Thiên Chúa chấp nhận đến tận cùng kiếp người. [4] Từ khi Đức Kitô sống lại, chúng ta không còn được thất vọng về thế giới hay về chính mình nữa.

Vì từ đó, hơi thở của Thiên Chúa, tức Thánh Thần, đã được ban cho chúng ta vĩnh viễn. [5] Nhờ Thánh thần của Ngài ngự trong tâm hồn chúng ta, Thiên Chúa chấp nhận chúng ta như chúng ta hiện có. Chúng ta không thể quên lời ngôn sứ Isaia : «Thiên Chúa yêu thương ngươi, và kết hôn với đất nước ngươi » [6]

Hãy chấp nhận những gì là mình và những gì không phải là mình, hãy đón nhận tất cả những gì chúng ta đã không lựa chọn nhưng đang làm thành cuộc sống chúng ta. [7] Chúng ta hãy dám khởi đi từ những bất toàn. Và chúng ta sẽ tìm thấy sự tự do. Cho dù còn gánh nặng, nhưng chúng ta sẽ đón nhận cuộc đời chúng ta như một món quà và mỗi ngày như một ngày hôm nay của Thiên Chúa. [8]

Tiến lên phía trước

Nếu Thiên Chúa ở trong ta, Ngài cũng ở phía trước ta. [9] Ngài đón nhận chúng ta như chúng ta đang là, nhưng ngài cũng kéo chúng ta vượt lên trên chính bản thân chúng ta. Đôi khi Ngài khuấy động cuộc sống chúng ta, đảo lộn các chương trình và dự định của chúng ta. [10] Cuộc sống của Chúa Giêsu đang đưa chúng ta tiến lên phía chân trời này.

Đức Giêsu cũng đã để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ngài không ngừng qui chiếu về sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa là Cha của Ngài. Đó chính là nền tảng cho sự tự do của Ngài, sự tự do đã đưa Ngài đến chỗ trao hiến sự sống mình bởi tình yêu. Trong Ngài, mối tương quan với Thiên Chúa và sự tự do không bao giờ chống đối nhau, nhưng tăng cường sức mạnh cho nhau. [11]

Trong mọi người chúng ta, đều có ước ao về cái tuyệt đối mà chúng ta đang hướng về đó bằng trọn vẹn con người mình, thân xác, linh hồn, trí khôn. Có một khát vọng yêu thương đang cháy bỏng trong mỗi chúng ta, từ trẻ thơ cho đến tuổi già. Ngay cả sự thân mật mạnh mẽ nhất của con người, cũng không thể hoàn toàn làm nguôi ngoai khát vọng đó.

Những ước vọng này, đôi khi chúng ta cảm thấy như những sự thiếu thốn hay trống vắng nào đó. Đôi khi nó làm ta bị phân tán. Nhưng, đó không phải là một điều bất bình thường, ngược lại nó làm nên bản thân chúng ta. Nó là một món quà, nó đã chứa đựng lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta mở lòng mình ra.

Mỗi người chúng ta tự hỏi : sự vươn lên nào đang được dành cho tôi lúc này ? Thưa, không nhất thiết phải «làm nhiều hơn». Điều chúng ta được mời gọi, chính là yêu mến nhiều hơn. Bởi vì tình yêu cần trọn vẹn con người chúng ta để biểu lộ, chúng ta phải tìm cách, không được chậm trễ một phút nào hết, làm sao để quan tâm đến người bên cạnh chúng ta.

Cho dù còn giới hạn, chúng ta phải làm được điều đó

Giúp nhau tăng cường niềm tin

Rất nhiều bạn trẻ cảm thấy cô đơn trong hành trình nội tâm của họ. Chỉ cần hai hoặc ba người là chúng ta đã có thể giúp đỡ nhau, chia sẻ và cầu nguyện với nhau, ngay cả với những người cho rằng mình gần với sự nghi ngờ hơn là với niềm tin. [12]

Cách thức chia sẻ như thế sẽ được trợ lực nhiều hơn, nếu được hội nhập vào một Giáo hội địa phương. [13] Giáo hội địa phương là cộng đoàn của các cộng đoàn, trong đó có nhiều thế hệ và không phải do người ta chọn lựa nhau. Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa : sự hiệp thông trong Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta ra khỏi sự cô độc. Ở đó chúng ta được đón nhận, ở đó Thiên Chúa chấp nhận cuộc sống của chúng ta, ở đó chúng ta nhận được sự an ủi không thể thiếu từ Thiên Chúa. [14]

Giả như các giáo xứ và các nhóm bạn trẻ trước tiên là những nơi của lòng tốt và tin tưởng, những nơi đón tiếp ở đó chúng ta quan tâm tới những người yếu đuối nhất !

Vượt qua những bức tường ngăn cách giữa xã hội chúng ta

Để tham gia vào việc kiến tạo một gia đình nhân loại hiệp nhất hơn, chẳng phải một trong những điều khẩn cấp là phải nhìn thế giới « từ phía dưới » hay sao ? [15] Cái nhìn như thế sẽ đem lại một cuộc sống hết sức đơn giản.

Càng ngày việc thông tin càng trở nên dễ dàng, nhưng cùng lúc đó, các xã hội vẫn bị phân mảnh rõ rệt. Nguy cơ dửng dưng trước người khác là điều không ngừng phát triển. Chúng ta hãy vượt qua những bức tường ngăn cách giữa các xã hội ! hãy tiến về phía những người đau khổ ! Hãy thăm viếng những người bị loại trừ, những người bị ngược đãi ! hãy nghĩ đến những di dân rất gần gũi nhưng thường cũng rất xa ! [16] Ở đâu nghèo khổ càng gia tăng, thì càng có nhiều dự án cụ thể với nhiều dấu hiệu hy vọng.

Để chống lại những bất công, những nguy hiểm đối đầu, và để cổ võ một sự chia sẻ của cải vật chất, điều không thể thiếu là phải có khả năng chuyên nghiệp. Việc chăm chú học hỏi và huấn nghiệp có thể giúp phục vụ người khác.

Nếu có những cảnh nghèo khổ hoặc bất công vượt tầm mắt chúng ta, thì cũng có những cảnh nghẻo khổ khó nhìn thấy. Cô đơn là một trong những nỗi khổ đó. [17]

Thành kiến và hiểu lầm đôi khi truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có thể gây nên những bạo động. Cũng có những bạo động bề ngoài có vẻ vô hại, nhưng thực sự nó tàn phá và xúc phạm rất lớn. Những lời chế diễu đùa cợt nằm trong loại này. [18]

Dù bất cứ nơi đâu, chúng ta hãy tìm kiếm, một mình hay với người khác, những cử chỉ thích hợp trong hoàn cảnh thất vọng. Như thế, chúng ta sẽ khám phá ra sự hiện diện của Đức Kitô khi mà chúng ta không chờ đợi. Ngài là Đấng phục sinh, Ngài đang hiện diện giữa những con người. Ngài đi trước chúng ta trên những nẻo đường của cảm thông. Và thực sự, trong Thánh Thần, Ngài đang đổi mới bộ mặt trái đất.

[1Tại nhiều quốc gia, cho dù có sự tăng trưởng toàn cầu và những triển vọng phát triển, các khu ổ chuột chẳng những không giảm đi nhưng còn nhiều hơn, nạn thất nghiệp cũng tăng gia, đặc biệt nơi các bạn trẻ. Ở Phi châu, tình trạng phát triển những tiến bộ kỹ thuật có nguy cở bóp nghẹt sự trưởng thành chậm rãi, là điều rất phong phú trong cuộc sống truyền thống. Đàng khác, sự liên đới trong gia đình và trong chủng tộc đã suy giảm. Làm thế nào để đem lại sức sống cho giá trị này, và phát triển vượt ra khỏi giới hạn của gia đình và chủng tộc ? Điều này có thể giữ bước chân của rất nhiều bạn trẻ ra đi, do bị hấp dẫn bởi các quốc gia có cuộc sống cao hơn, mà không phải lúc nào cũng lượng định được những hệ quả của một quyết định như thế.

[2Isaia 40,31 vào thời ông nói như thế, thì thực sự người ta đã mệt mỏi: “tôi tự hỏi: tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.” (Is 49,4) Ông còn thêm: “thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhẳn, trai tráng

[3Thực sự là có rất nhiều trở ngại đang đe dọa nghiền nát cuộc đời: những bất công, bạo lực chung quanh chúng ta và trong chúng ta, tính đua tranh, những lầm lẫn của chúng ta, sự sợ hãi hay một khép kín nào đó trước những gì khác biệt với chúng ta, một sự thiếu đánh giá đúng mức về mình…

[4Trong những miền đất rộng lớn của Phi Châu, chẳng hạn nơi những người Kitô giáo Massai, Đức Kitô được coi như người anh cả. Điều đó giống như kiểu nói của các Kitô hữu tiên khởi: Đức Kitô là “trưởng tử giữa đoàn em đông đức” (Rm 8,29). Bằng cái chết và phục sinh, Đức Giêsu vượt lên trên những mối liên hệ gia đình và chủng tộc (Xc. Cl 1,18-20).

[5Trong ngôn ngữ KinhThánh, kiểu nói “hơi thở” và ‘thần khí’ là cũng là một từ như nhau. Các ngôn sứ đã nói rằng, qua Thần khí Thiên Chúa, chính Thiên Chúa hiện diện trong con người (Ed 36,26-27). Nhờ việc nhập thể, cái chết và sống lại của Đức Kitô, Thần Khí Thiên Chúa đã được ban một cách “vô ngần vô hạn” (Ga 3,34). Từ đó Hơi thở của Thiên Chúa liên lỉ hoạt động trong nhân loại, để một ngày kia, nhân loại làm thành một Thân thể trong Đức Kitô.

[6Is 62,1-4.

[7Đón nhận tình trạng hiện nay không có nghĩa là chấp nhận tất cả và cũng không có nghĩa là thụ động chịu đựng các biến cố. chúng ta có thể chống lại những tình trạng bất công hay tố cáo những tình trạng đó.

[8Một trong những quyển sách đầu tiên của thầy Roger có tựa đề Sống ngày hôm nay của Thiên Chúa (1958). Thầy Roger đã xác tín về tầm quan trọng đối với các Kitô hữu là hoàn toàn hiện diện trong xã hội hiện nay, hơn là phiền trách trong thái độ hồi tưởng quá khứ hay chạy trốn vào một tương lai ảo ảnh. Chỉ có trong giây phút hiện tại mà chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa và sống với Ngài.

[9Vào thế kỷ thứ IV, một kitô hữu Phi Châu, thánh Augustin, đã viết lên lời cầu nguyện sau: “Chúa ở trong con sâu thẳm hơn chính con, và cao hơn cả tầm cao của chính con”(Tự Thú, III,6,11)

[10“ý định của Ta không giống ý định của các ngươi”, Thiên Chúa đã nói như thế (Is 55,8). Đức Trinh nữ Maria cũng đã chấp nhận sự vượt qua này, đến nỗi chấp nhận cái chết không thể hiểu được cái chết của người con mình, trong khi vẫn tin rằng Thiên Chúa trung tính với lời hứa ban sự sống của Ngài.

[11Tại thượng hội đồng giám mục tháng 10/2008 ở Roma, đức hồng y Danneels, tổng giám mục Malines-Bruxelles đã tuyên bố: “Sức mạnh của lời Chúa bao hàm sự tự do đáp trả của người nghe. Đó chính là quyền năng của lời Chúa. Nó không loại trừ sự tự do của người nghe, ngược lại làm nên sự tự do đó”.

[12Đức Giêsu nói: “Khi có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì thầy ở giữa họ” (Mt 18,20)

[13Các Kitô hữu tiên khởi đã « chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy. Luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng » Cv 2,42). Tại Phi Châu, cũng như tại Châu Mỹ Latinh, và trong một số quốc gia tại Á Châu, các Kitô hữu họp nhau không chỉ theo giáo xứ, nhưng cả trong một khu phố, trong một làng, trong những cộng đoàn giáo hội nhỏ bé. Họ cùng nhau cầu nguyện và giúp đỡ lẫn nhau. Nhiệt tình của con người và sự dấn thân của mỗi cá nhân góp phần làm cho Giáo hội trở thành một nơi hiệp thông đích thực.

[14Ở Phi Châu, Giáo hội thường được coi như gia đình của Thiên Chúa, và Thiên Chúa như người mẹ an ủi con cái. Ngày xưa, ngôn sứ Isaia đã viết: “Chúa nói: như người mẹ an ủi con mình, Ta cũng an ủi các ngươi”. (Is 66,13) Xin đọc thêm Is 49,13-15. Việc nhìn nhận Giáo hội như gia đình sẽ giúp chúng ta tạo sự hiệp nhất. không thể thụ động đứng nhìn Giáo hội bị phân chia thành nhiều hệ phái khác nhau.

[15Thần học gia người Đức Dietrich Bonhoeffer có hoàn cảnh ưu đãi, nhưng trong Đệ nhị thế chiến, đã dấn thân phản kháng, do đó ông đã bị nguy hiểm và cuối cùng bị bỏ tù và thảm sát. Năm 1943, ông đã viết như su: “ thật là một kinh nghiệm hết sức quí báu khi biết cách nhìn các biến cố trong lịch sử thế giới từ phía dưới, nghĩa là từ phía những người bị bỏ rơi, bị nghi ngờ, bi ngược đãi, những người không quyền lực, những người bị đàn áp và bị khai trừ, tóm lại, cái nhìn của những người phải chịu đau khổ”.

[16Nếu may mắn là hiện nay có những nỗ lực nâng đỡ các nền văn hóa đang bị đe dọa biến mất, thì thực sự không có nền văn hóa nào có thể phát triển một cách khép kín. Ở thời đại toàn cầu hóa, việc pha lẫn các nền văn hóa không phải chỉ là không thể tránh được, nhưng đó còn là một sự thành công của các xã hội chúng ta.

[17Người Kenya có câu châm ngôn nói lên điều này: “không có ai mà không thể trở thành mồ côi”.

[18Thầy Roger đã viết trong Qui luật của cộng đoàn Taizé (1954): “việc chế diễu, là thuốc độc cho đời sống chung, và nham hiểm vì qua những lời đùa cợt như thế, có những điều mượn tiếng là sự thật mà người ta không dám nói thẳng với nhau. Nó thật là hèn hạ vì nó làm hạ phẩm giá một người anh em trước những người khác.”

Printed from: https://www.taize.fr/vi_article8335.html - 28 March 2024
Copyright © 2024 - Ateliers et Presses de Taizé, Taizé Community, 71250 France